3 thương hiệu Vingroup vào top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2018

0

(DNVN) –  Tạp chí Forbes vừa vinh danh 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2018, trong số những tên tuổi hàng đầu, đáng chú ý có những thương hiệu của Tập đoàn Vingroup như Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail.

Đây là lần thứ ba Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này, với tổng giá trị thương hiệu đạt gần 8,1 tỉ đô la Mỹ. 

image 86

Danh sách năm nay ghi nhận nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tổng giá trị của danh sách lần này tăng khoảng 50% so với danh sách một năm trước đó.  Điều này một phần nhờ thị trường chứng khoán có sự tăng trưởng khá mạnh khiến cho PE trung bình của phần lớn các ngành đều tăng. Bên cạnh đó, các công ty có thương hiệu đã có nhiều sự thay đổi về sản phẩm, mở rộng thị trường, phản ánh qua kết quả lợi nhuận tốt hơn.  

Đáng chú ý trong danh sách này có 3 thương hiệu thuộc Tập đoàn Vingroup là Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail.

Trong đó,Vinhomes(thành lập năm 2008) được Forbes xếp vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng với giá trị 384 triệu đô la Mỹ. Vinhomes là thương hiệu bất động sản cao cấp của tập đoàn Vingroup. Các dự án của Vinhomes đều có vị trí đắc địa tại các tỉnh thành trọng điểm, nổi bật nhất là các dự án Vinhomes Royal City, Vinhomes Times City (Hà Nội), Vinhomes Central Park, Vinhomes Golden River (Thành phố Hồ Chí Minh).

Điểm chung các dự án mang thương hiệu Vinhomes cung cấp cho cư dân cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện tại: Hệ thống trường học Vinschool, bệnh viện hoặc phòng khám quốc tế Vinmec, tổ hợp mua sắm, giải trí – ẩm thực Vincom và hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng tiện ích – siêu thị mini VinMart+.

Năm 2018, Vinhomes xác lập kỷ lục khi giá trị công ty được định giá 13,5 tỉ đô la Mỹ qua đợt IPO chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây là dấu mốc mà theo các chuyên gia phân tích, giới kinh doanh chứng khoán, có thể rất lâu mới có một doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể vượt qua. Theo công ty nghiên cứu, môi giới bất động sản CBRE, Vinhomes hiện là thương hiệu bất động sản nhà ở hàng đầu Việt Nam với thị phần khoảng 15% tính trên tổng số lượng căn hộ đã bán tại hai thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội giai đoạn 2015 – 2017.

Vinhomes sở hữu một quỹ đất bao gồm các dự án đã mở bán và các dự án đang phát triển lên tới 16.410 héc ta tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh… và hiện tại còn 90% chờ phát triển. Tiền thân của Vinhomes là công ty cổ phần Đô thị BIDV – PP, được thành lập vào đầu năm 2008 với dự án đầu tiên là tòa tháp đôi Vincom BIDV Bà Triệu (Hà Nội). Công ty bất động sản này đang có kế hoạch triển khai các dự án bất động sản có giá bán trung bình mang tên VinCity.

image 87

Thương hiệu Vingroup(thành lập năm 1993) xếp thứ 7 và được định giá 307,2 triệu đô la Mỹ. Vingroup là tập đoàn kinh doanh đa ngành hiện đang sở hữu nhiều thương hiệu riêng lẻ trong các ngành hàng khác nhau. Hệ sinh thái các thương hiệu của Vingroup đều bắt đầu với chữ “Vin”: Vinhomes (bất động sản), VinFast (xe hơi), Vinpearl và Vinpearl Land (khách sạn, nghỉ dưỡng), Vincom Retail (trung tâm thương mại), Vinmart (chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán lẻ), VinEco (nông nghiệp), Vincommerce (thương mại điện tử), Vinmec (y tế), Vinschool (giáo dục), VinFa (dược phẩm)…12 tháng qua, tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng chứng tỏ là một trong các công ty tư nhân phát triển năng động nhất Việt Nam khi công bố nhiều hoạt động kinh doanh táo bạo, có tính đột phá.

Đáng chú nhất, tháng 9/2017, Vingroup thành lập VinFast, mảng kinh doanh xe hơi, dự kiến sẽ cho những sản phẩm đầu tiên vào năm 2019. Đầu năm 2018, tập đoàn tuyên bố thành lập nhánh kinh doanh dược phẩm VinFa và ngay sau đó tuyên bố rót vốn sản xuất điện thoại thương hiệu VinSmart.

Dù kinh doanh đa ngành nhưng nhánh kinh doanh bất động sản vẫn đóng góp chính vào doanh thu và lợi nhuận cho tập đoàn này. Tiền thân Vingroup là công ty Technocom hoạt động tại Ukraine do ông Phạm Nhật Vượng sáng lập năm 1993. Tập đoàn chuyển dịch kinh doanh về Việt Nam đầu thập niên 2000, thời gian đầu kinh doanh du lịch, bất động sản và bất động sản thương mại.

Một thương hiệu nữa thuộc tập đoàn Vingroup lọt top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2018 của Forbes chính là Vincom Retail (thành lập năm 2012) được xếp thứ 14 có giá trị lên tới 91,6 (triệu đô la Mỹ).

Lên sàn cuối tháng 12/2017, Vincom Retail hiện sở hữu, quản lý các trung tâm thương mại với các mô hình Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza, Vincom Plus. Theo Colliers International, Vincom Retail hiện nắm giữ 60% thị phần mặt bằng bán lẻ, và đang dẫn đầu mảng cho thuê mặt bằng bán lẻ trung tâm thương mại, trải đều khắp cả nước.

Hai thế mạnh của Vincom Retail là diện tích sở hữu mặt bằng bán lẻ thuộc loại lớn nhất thị trường và tỉ lệ lấp đầy cao, với thời gian thuê từ 2 – 3 năm. Theo phân tích từ các công ty chứng khoán, tỉ lệ lấp đầy trong ngày khai trương thường đạt mức 95% với Vincom Center, Vincom Plaza và 85% với các mô hình bán lẻ thương mại khác.

Theo Forbes Việt Nam, giá trị thương hiệu chung cuộc được xác định dựa trên chỉ số P/E (hệ số giữa giá thị trường và thu nhập ròng trên mỗi cổ phần mà thương hiệu mang lại) trung bình ngành. Với công ty chưa niêm yết, Forbes Việt Nam áp dụng phương pháp so sánh với công ty cùng ngành, cùng quy mô để xác định giá trị thương hiệu.

My Anh

Khám phá thêm tại: Doanhnhanviet.net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *