Về thăm khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du

0

(DNVN) – Làng Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là quê hương của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du với thi phẩm Truyện Kiều nổi tiếng. Nơi đây giờ đã là Khu di tích quốc gia đặc biệt vừa mang tính nhân văn, giáo dục, vừa là nơi để các thế hệ sau tìm hiểu về cuộc đời đầy thi vị của đại thi hào dân tộc.

Chỉ cách cách TP. Vinh khoảng 8 km về phía hữu ngạn sông Lam, dưới chân 99 ngọn núi Hồng là Khu lưu niệm Nguyễn Du, với diện tích rộng khoảng 2 ha, là một quần thể tưởng niệm dòng họ Nguyễn Tiên Điền gồm: Đền thờ Nguyễn Nghiễm – thân phụ của Nguyễn Du, khu lưu niệm Nguyễn Du, đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Huệ – bác ruột của Nguyễn Du… 

image 322

Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên sinh năm 1765 ở thành Thăng Long, có cha tể tướng Nguyễn Nghiễm, mẹ bà Trần Thị Tần quê tỉnh Bắc Ninh. Tuổi thơ ông sống trong nhung lụa, lầu son. Nhưng đến năm 13 tuổi thì mồ côi cả mẹ lẫn cha. Tiếp đó, ông sống trong xã hội có nhiều biến động dữ dội của đế chế Lê – Trịnh, triều đại Tây Sơn tiến quân ra Bắc, rồi nhà Nguyễn lên ngôi. Có ai ngờ rằng, từ cuộc sống vương giả mà ông đã phải chấp nhận cảnh sống thiếu cơm, rét thiếu áo, ốm thiếu thuốc, sống nương nhờ bên vợ cả chục năm trời. Rồi cha con đưa nhau về quê Nghi Xuân nương nhờ họ hàng. Nhờ đức thông tuệ, ông được Vua Gia Long ban nhiều ân sủng, nhiều lần bổ nhiệm làm quan, đi sứ sang Trung Quốc… nhưng ông không mặn mà với “cân đai mũ mão”, cứ được vời lên một thời gian ông lại cáo quan về quê. Năm 1820, Vua Gia Long mất, Minh Mạng lên ngôi, ông được cử đi sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong, nhưng chưa kịp đi thì ngã bệnh và mất tại Kinh thành Huế, hưởng thọ 55 tuổi. Mặc dù cuộc đời đầy ông đã trải qua bao nhiêu thăng trầm nhưng ông đã để lại một kho tàng văn chương vô cùng lớn lao cho hậu thế như: Thanh Hiên Thi Tập, Nam Trung tạp ngâm… trong đó nổi bật nhất là tập Đoạn trường Tân thanh còn gọi là Truyện Kiều…  .

image 323

Hiên nay, Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du là một quần thể công trình kiến trúc thờ tự, tưởng niệm Nguyễn Du cùng những bậc tài danh kiệt xuất của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, như Giới Hiên công Nguyễn Huệ, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, Lam Khê hầu Nguyễn Trọng, Địch Hiên công Nguyễn Điều, Quế Hiên công Nguyễn Nễ…

Bước qua cổng, gặp ngay một vườn cây xanh tốt với nhiều gốc cổ thụ từng là nơi buộc ngựa của dòng họ Nguyễn Tiên Điền khoảng 300 năm trước. Xuyên trong vườn cây là những lối đi lát gạch sạch sẽ, ngăn nắp. Trước sân khu lưu niệm nổi bật bức tượng Nguyễn Du khăn đóng áo dài, tay cầm bút lông. Tượng bằng đồng, cao 1,5 m, bệ tượng cao 2,5 m, trông toát lên thần thái nho nhã, thanh thoát của đại thi hào.

Nhà thờ cụ Nguyễn Du bài trí đơn sơ, giản dị như cốt cách của đại thi hào. Một bàn thờ bằng đá vôi cát, một chiếc bàn nhỏ để bút nghiên cùng một bức hoành đề chữ “Hồng sơn thế phả” do Hoàng Phù Phái, Trung Hiếu Đại phu đời nhà Thanh tặng vào năm thứ 55 triều Càn Long (1790) cùng bài vị bằng đá có khắc dòng chữ: “Thanh Hiên Nguyễn Tiên Sinh”. Bên phải nhà thờ Nguyễn Du là Trung tâm Văn hóa Nguyễn Du mới được xây dựng vào năm 2004. Nơi này trưng bày trên 2.000 hiện vật, tư liệu về Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền như: Nghiên mực, chén uống trà, uống rượu, móc treo mũ áo, chiếc đĩa Mai Hạt, kỷ vật của cụ Nguyễn Du trong chuyến đi sứ Trung Quốc… Hơn 500 bản Truyện Kiều được xuất bản qua các thời đại với nhiều thứ tiếng. Đặc biệt có cuốn Thư pháp độc bản Truyện Kiều nặng 75 kg, bề ngang 1,2 m, bề dọc 1,6 m. Tương truyền rằng khi viết Kiều, cụ Nguyễn Du từng ôm cột nhà xoay tròn khi cân nhắc chữ nghĩa, đến nỗi các cây cột nhà mòn đi, bóng láng…

Nhà Tư Văn cũng là nơi thu hút du khách. Theo các tài liệu lịch sử, nhà Tư Văn có từ đời vua Lê Thần Tông (1732-1735), trước đây gọi là Văn Thánh thờ Khổng Tử. Sau năm 1735, thời vua Lê Y Tông, Văn Thánh thuộc về dòng họ Nguyễn Tiên Điền – nổi lên phát đạt. Tể tướng Nguyễn Nghiễm cho đưa Văn Thánh về khu vườn của ông tổ họ Nguyễn. Tư Văn trở thành nơi bình thơ văn của “Phượng trì long bảng”, từ tú tài trở lên. Truyền thống đỗ đạt của dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã được dân gian ca ngợi: … “Bao giờ ngàn Hống hết cây, Sông Rum hết nước, họ này hết quan”…

Những di sản văn hóa trong Khu di tích còn được bảo tồn có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học…, giúp chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển, truyền thống văn hóa, khoa bảng… của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cũng như việc nhìn nhận về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cho nền văn học Việt Nam. Đây cũng là nguồn tư liệu đáng tin cậy để tìm hiểu về tín ngưỡng, phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Tiên Điền nói riêng, văn hóa làng xã Việt Nam nói chung trong sự phát triển của lịch sử dân tộc.

Đông Nghi

Khám phá thêm tại: Doanhnhanviet.net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *