Nỗ lực của ông Trump vì ‘nước Mỹ trước tiên’: Thành quả ít, thách thức nhiều

0

(DNVN) – Thành quả duy nhất được nhìn thấy trong nỗ lực của ông Trump “vì nước Mỹ trước tiên” chỉ là những nhượng bộ từ phía Mexico liên quan đến Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

image 21

Sửa NAFTA: Chỉ có Mexico nhượng bộ

Theo các nguồn tin địa phương, Mexico đã phải nhượng bộ Mỹ trong việc sửa một số điều khoản của NAFTA theo hướng có lợi cho Mỹ, cụ thể là chấp nhận loại bỏ chương 19 về giải quyết tranh chấp thương mại; chấp nhận nâng tỷ lệ nội địa khu vực ô tô từ 62,5% hiện nay lên 75% và khoảng 40% giá trị mỗi xe phải được sản xuất tại các khu vực có mức lương từ 16 USD/giờ trở lên. Tuy nhiên, Mexico đề nghị Mỹ một lộ trình 5 năm để áp dụng các quy định trên, TTXVN tại Ottawa đưa tin.

Để tránh bị “cô lập” trong NAFTA, ngày 27/8, Văn phòng Thủ tướng Canada cho biết ông Justin Trudeau và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một “cuộc trao đổi mang tính xây dựng” về vấn đề thương mại.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đã phải hủy chuyến công du tới châu Âu để nhanh chóng đến Washington bắt đầu các cuộc đàm phán với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Phía Canada trước đó khẳng định nước này sẽ chỉ ký một thỏa thuận NAFTA mới nếu có lợi cho Canada và cho tầng lớp trung lưu.

Đây được coi là bước tiến quan trọng nhất trong quá trình đàm phán kéo dài một năm qua giữa Mỹ, Mexico và Canada nhằm cứu vãn NAFTA, đáp ứng đòi hỏi “nước Mỹ trước tiên” của ông Trump.

Tuy nhiên, thỏa thuận này mới chỉ tập trung giải quyết một trong những bất đồng lớn liên quan đến các quy định liên quan đến ngành ôtô, song chưa đề cập đến những vấn đề bất đồng khác giữa ba nước.

Nếu hết tháng 8, Mỹ, Mexico và Canada không thể nhất trí về bản NAFTA phiên bản mới, hiệp định này sẽ đứng trước cuộc bỏ phiếu mới tại Quốc hội Mỹ vào khóa tiếp theo, trong đó bối cảnh và tương quan lực lượng sẽ hoàn toàn khác so với thời điểm hiện nay.

Bắc Kinh liên tiếp khẳng định “đáp trả tương xứng”

“Đáp trả tương xứng” tiếp tục được giới chức Trung Quốc đưa ra ngay sau vòng đàm phán mới về thương mại Mỹ-Trung từ ngày 22-23/8 – vòng đàm phán chính thức đầu tiên kể từ đầu tháng 6 nhằm tìm lối thoát cho căng thẳng thương mại giữa hai nước mà không đạt đột phá nào, trong bối cảnh hai nước áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của mỗi bên.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Khôn ngày 23/8 tuyên bố nước này sẽ duy trì đáp trả các biện pháp thuế quan của Mỹ, song nhấn mạnh sẽ cố gắng hết sức có thể để tránh làm tổn hại các doanh nghiệp tại Trung Quốc, bao gồm các doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp nước ngoài.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Lưu Khôn nhận định cho đến thời điểm hiện tại, ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đối với nền kinh tế Trung Quốc còn ít, song ông quan ngại khả năng tác động đến việc làm và đời sống người dân. Ông nhấn mạnh: “Trung Quốc không muốn can dự vào một cuộc chiến tranh thương mại, song sẽ cương quyết đáp trả các biện pháp vô lý của Mỹ” để bảo vệ lợi ích của mình.

Khi mà ông Trump tiếp tục cuốn vào tâm điểm của cuộc chiến thương  mại tổng lực với Trung Quốc, nền kinh tế Mỹ đang bị đánh giá là đã bắt đầu “ngấm đòn” trước các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, gồm cả tẩy chay hàng hóa Mỹ.

Từ những tập đoàn lớn như hãng xe hơi Ford vốn đã “bắt rễ” vào thị trường đông dân nhất hành tinh, tới những người nông dân Mỹ không thể bán hàng sang Trung Quốc. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo Mỹ tăng hàng rào thuế quan 10% thì lợi nhuận của 500 tập đoàn lớn nhất của Mỹ giảm 15%.

Các đòn “ăn miếng trả miếng” trong một cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc còn giáng mạnh vào thị trường lao động, làm suy yếu mức tăng trưởng. Ngay cả người tiêu dùng Mỹ cũng đã phải chia sẻ gánh nặng này.

EU tìm kiếm phản ứng mới

TASS đưa tin, ngày 27/8, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng, chính sách trừng phạt của Mỹ nhằm vào các nước khác, vốn là các đối tác của Liên minh châu Âu (EU), buộc châu Âu phải phản ứng.

image 22

Trong bài phát biểu tại Hội nghị thường niên những người đứng đầu phái đoàn ngoại giao của Đức ở nước ngoài tổ chức hôm 27/8, Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh: “Chính sách trừng phạt của Washington khiến chúng ta phải tìm kiếm một câu trả lời của châu Âu và việc Mỹ gấp rút phát động các biện pháp trừng phạt không cụ thể chống lại Nga, Trung Quốc và các đối tác thương mại khác của EU gây ảnh hưởng đáng kể đối với châu Âu và Đức. Vì vậy, chúng ta phải phản ứng trước điều đó.”

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Đức lưu ý, EU đang tìm cách phát triển các thể chế độc lập với Mỹ, nhất là Quỹ Tiền tệ châu Âu và tạo ra một hệ thống thanh toán giúp họ có thể bảo vệ các quan hệ kinh doanh với Iran.

Giới phân tích quốc tế nhận định, với nỗ lực “nước Mỹ trước tiên” nhưng không mang lại kết quả đáng kể, ông Trump sẽ gặp không ít khó khăn trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào tháng 11 tới.

Nhật Minh

Khám phá thêm tại: Doanhnhanviet.net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *