Cơ hội phát triển kinh tế số từ đại dịch COVID-19

0

(DNVN) – Các nền tảng kinh tế số vốn đã phát triển như một xu thế của kinh tế trên thế giới. Qua thực tiễn trong đợt dịch COVID-19 lại càng cho thấy nó đang mang lại một trải nghiệm rất hiệu quả cho các doanh nghiệp. 

Trong khi các mô hình kinh tế truyền thống gần như bị đóng băng do dịch COVID-19, cú sốc nguồn cung, sự biến động của cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc thì nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử lại đang không ngừng kiếm lời. Mới đây, Amazon đã dự tính tuyển thêm hơn 100.000 công nhân để tham gia đóng gói sản phẩm. Tại Việt Nam, doanh số bán hàng online của một số siêu thị tại Hà Nội ước tính cũng tăng thêm 20% trong thời dịch. Nhiều chuyên gia đánh giá, nếu không tồn tại những sàn giao dịch điện tử như Tiki, Lazada, hoặc các kênh phân phối online thì có lẽ sẽ có nhiều hơn 3.000 doanh nghiệp đóng cửa chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội. 

image 221

Đánh giá về vần đề này, tại toạ đàm chính sách “Hướng tới xây dựng một khuôn khổ pháp lý thích nghi với kinh tế nền tảng số”, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dịch bệnh chính là một cơ hội tốt để kinh tế nền tảng số phát triển. Nó là một tác nhân quan trọng để thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin. Nếu ứng dụng công nghệ tốt có thể khẳng định giá trị của mình mạnh mẽ hơn trong giai đoạn hiện nay.

Ông Tuấn cho rằng, trong thời điểm này, việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số và mở rộng sân chơi cho các nền tảng kinh tế số để đẩy nhanh luồng lưu thông của hàng hoá và dịch vụ trong thị trường tự do có thể sẽ mang lại hiệu quả tốt không kém gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng hay gói 30 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ vừa tung ra.

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Việt Nam không thể rời bỏ khỏi xu thế này và chúng ta có lợi thế và có thể đi cùng với thế giới.

Minh chứng cho điều này, ông Thành cho biết, mạng 5G của Việt Nam đã có, là một trong những nước hàng đầu về công nghệ viễn thông, dù vẫn còn một số tồn tại. Chúng ta còn có lợi thế là dân số trẻ, nền kinh tế nhỏ, năng động…

“Muốn phát triển được AI, yếu tố cốt lõi nhất là hệ thống dữ liệu (data hay big data). Ai nắm bắt được dữ liệu, người đó là thắng lợi. Nước nào có được dữ liệu của thế giới, của xu hướng thời cuộc, kẻ đó là người chiến thắng”, ông Thành nói.

image 224

Theo ông Thành, virus corona có tác động tới thế giới và Việt Nam. Chính vì vậy, kinh tế số hiện nay là xu thế, có dịch COVID-19 hay không có dịch thì chúng ta phải đi vào kinh tế số. Có dịch sẽ đẩy chúng ta nhìn thấy thực tế, thôi thúc đi nhanh hơn trước khi thế giới đi trước, nắm được lợi thế.

“Tôi thấy người trẻ Việt trong dịch bệnh COVID-19 rất thức thời, họ tổ chức học nhóm bằng skypee, zalo, zoom, face fanpage. Rồi họ tổ chức bán hàng qua trang điện tử, face, chuyển hàng bằng ship. Chính con cháu tôi đã làm; không phải chúng không có tiền mà chúng làm để học hỏi, để không lạc lõng”, TS. Võ Trí Thành nói.

TS Thành cho rằng, dịch COVID-19 không chỉ khiến cho xu thế kinh tế số trên thế giới được thúc đẩy nhanh hơn mà còn chỉ ra đó là xu thế tất yếu, là cách thức vượt qua khó khăn đi trước khi nghĩ đến làm điều gì phi thường khác.

Còn theo PGS., TS. Nguyễn Đức Thành, nguyên viện trưởng Viện VEPR, đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến lịch sử phát triển của loài người, làm thay đổi cách thức đi lên của các nền kinh tế, của biến động thế giới. Đơn cử như cuộc biến động năm 1973 (khủng hoảng tăng giá năng lượng, dầu lửa).

“Tôi liên tưởng đại dịch Covid-19 có thể sẽ khiến kinh tế thế giới thay đổi về cách thức phát triển. Năm 2003, dịch Sars xảy ra tại Trung Quốc, người ta hạn chế giao dịch trực tiếp để chuyển sang giao dịch thương mại điện tử, lúc này công ty “gầm cầu” là Alibaba của Jack Ma trỗi dậy”, TS Nguyễn Đức Thành nói.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Thành nhìn nhận, dịch COVID-19 khiến các nước phải có cách làm việc theo mô thức mới, khác với truyền thống trước đây. Chỉ có điều cách thức tiếp cận của mỗi quốc gia sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhận thức của từng Chính phủ, của từng người đứng đầu có dám thay đổi hay không? Cuộc chiến hiện nay không chỉ đánh bật COVID-19 mà chúng ta còn nhiệm vụ kép là chạy đua tạo ra vắc xin nhanh hơn, tốt hơn; cuộc đua thích nghi với bệnh dịch, với chiêu thức mới của kinh tế số, trí tuệ nhân tạo và số hóa nền kinh tế.

Do đó, theo nguyên viện trưởng Viện VEPR: “Việt Nam có tiếp tục đứng ngoài hay đương đầu để bước vào giữa sân chơi toàn cầu, cái này tùy theo lựa chọn của Chính phủ, của doanh nghiệp và người dân. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để chúng ta ươm mầm cho các Startup về AI, về công nghệ, thương mại điện tử…”.

Đông Nghi

Khám phá thêm tại: Doanhnhanviet.net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *