Thủ tướng: Đối ngoại lấy DN làm trung tâm, cùng DN vươn ra thế giới

0

(DNVN) – Phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể Hội nghị ngoại giao lần thứ 30, sáng 15/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Công tác đối ngoại cần lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm, đồng hành cùng DN vươn ra thế giới.

image 124

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN) 

Cần xây dựng tiêu chí về sự hài lòng của DN

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, thành tựu của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của công tác đối ngoại và các nhà ngoại giao, “những người nỗ lực dệt nên sợi dây kết nối hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè năm châu,” tạo nên vị thế Việt Nam ngày càng mạnh mẽ.

Việt Nam là nước ASEAN duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và toàn bộ nhóm G7, 13/20 nước G20. Đây là những đối tác thương mại, đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Chỉ riêng 5 nước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và G7 đã chiếm trên 27% tổng vốn đầu tư FDI, chiếm gần 50% tổng kim ngạch thương mại 2017 và đang có mức tăng trưởng bình quân 10-12%/năm.

“Chúng ta đã tạo dựng được sự đan xen lợi ích song phương giữa Việt Nam và các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; tranh thủ được các nguồn lực quốc tế to lớn cho phát triển”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đánh giá cao việc nhiều đại sứ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai hoạt động xúc tiến tại các địa bàn theo các phương thức đa dạng, hiệu quả, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. DN và địa phương đang trở thành trung tâm trong các nỗ lực xúc tiến quảng bá kinh tế đối ngoại của ngành ngoại giao, đúng theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo, phục vụ.

Thủ tướng yêu cầu công tác đối ngoại cần phát huy tinh thần hành động, phục vụ cho phát triển. Phải chuyển hóa mạnh mẽ lợi thế quan hệ chính trị đối ngoại tốt đẹp của Việt Nam với các quốc gia, đối tác trở thành các cơ hội hợp tác, lợi ích kinh tế phục vụ phát triển hội nhập kinh tế quốc tế.

Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế hợp tác đa phương, nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải, thúc đẩy đồng bộ các lĩnh vực với hợp tác kinh tế là trọng tâm.

“Công tác đối ngoại cần lấy DN làm trung tâm, đồng hành cùng DN vươn ra thế giới. Đây là một quan điểm, tinh thần chỉ đạo mới cần quán triệt,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, tăng cường tìm kiếm nguồn lực, quảng bá phát triển thương mại, thu hút ODA, du lịch, kiều hối, phát triển thị trường lao động để cùng cả nước phát triển nền kinh tế số công nghệ cao, thông minh.

Thủ tướng đề nghị các đại sứ cần mở hướng mới, vận dụng nguồn lực của các DN vận động kiều bào ta ở nước ngoài ủng hộ xây dựng đất nước một cách thiết thực nhất, đặc biệt là phân phối hàng hóa của Việt Nam.

Thủ tướng gợi ý Bộ Ngoại giao cần xây dựng tiêu chí về sự hài lòng của DN để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Khẳng định ngoại giao kinh tế vẫn là chính, Thủ tướng đề nghị quan điểm này cần thấm nhuần trong đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao, coi đây là tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả làm việc các tổng lãnh sự, đại sứ quán. Bên cạnh đó là làm tốt việc thu thập thông tin, chính xác, kịp thời, liên tục. Tham mưu cho Chính phủ, ngành, địa phương, DN trong kinh tế đối ngoại, trong phát triển.

“Hoạt động của sứ quán không chỉ phục vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà còn phục vụ các địa phương, các DN tư nhân và Nhà nước để phát triển kinh tế bởi đây là nhiệm vụ trọng tâm,” Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị ngành ngoại giao cần làm tốt nhiệm vụ ngoại giao chính trị một cách nhuần nhuyễn, từ đó làm tốt ngoại giao kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng các đại biểu xem triển lãm ảnh Ngoại giao Việt Nam. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN) 

Tiềm năng hợp tác đầu tư, thương mại còn rất lớn

Bên lề Hội nghị, các Đại sứ đều khẳng định tiềm năng hợp tác đầu tư, thương mại tại thị trường nước ngoài cho cộng đồng DN Việt Nam còn rất lớn.

Theo đó, Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, ông Trần Ngọc An khẳng định quan hệ  kinh tế, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh tăng trưởng ngoạn mục. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 6,1 tỷ USD. 5 tháng đầu năm 2018, thương mại hai chiều hai nước tăng 40%. Nguồn vốn đầu tư của Anh vào Việt Nam ngày càng tăng.

Hiện nay, Anh là một trong 15 nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư hơn 3,7 tỷ USD. Trong lĩnh vực du lịch, năm 2017, Việt Nam đón gần 300.000 lượt khách du lịch Anh, đạt mức tăng trưởng từ 15-20%.

Trong bối cảnh nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, Việt Nam đang trở thành một điểm sáng, thu hút sự quan tâm của các DN Anh. Các DN lớn của Anh mà Đại sứ quán tiếp xúc đều đánh giá thị trường Việt Nam hiện nay không chỉ là thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực mà còn có tính dự báo khả thi trong trung hạn và dài hạn. Đại sứTrần Ngọc Anhy vọng thời gian tới sẽ có một làn sóng mới các DN đầu tư vào Việt Nam, đồng thời lưu ý các DN Việt Nam cũng cần chủ động hơn nữa, triển khai hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến thương mại mới có thể tận dụng được cơ hội này.

Đại sứ Việt Nam tại Israel Cao Trần Quốc Hải cho biết qua những cuộc xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối trực tiếp, gián tiếp, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã triển khai hỗ trợ một số DN Việt Nam hợp tác thành công với các đối tác Israel để áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, nuôi trồng.

Điển hình như Tập đoàn Vingroup hợp tác với DN Israel phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Vĩnh Phúc và một số tỉnh, thành. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã nhập công nghệ của Israel từ trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa cho đến trồng cây ăn quả, áp dụng vào trồng bưởi da xanh ở Lào, Campuchia…

Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã kết nối một số tỉnh, thành của Việt Nam hợp tác với Tập đoàn Tiran của Israel để sản xuất tôm giống càng xanh đơn tính, cung cấp cho bà con khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đại sứ Cao Trần Quốc Hải cho rằng tiềm năng hợp tác đầu tư, thương mại với thị trường Israel còn rất lớn, có thể lên đến hơn 3 tỷ USD. Hiện hai nước đã trải qua 5 phiên đàm phán Hiệp định thương mại tự do (VIFTA). Hai nước đang nỗ lực để sớm kết thúc đàm phán nhằm tạo cơ sở pháp lý hỗ trợ cho buôn bán giữa hai nước ngày càng phát triển.

Đại sứ quán là nơi đầu tiên DN tìm đến nhận sự hỗ trợ

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) Lê Đăng Dũng, khi các DN bắt đầu đầu tư ra nước ngoài, việc quan trọng nhất là thông tin về thị trường, chính trị, kinh tế, môi trường, văn hóa tại nước sở tại. Về mặt này, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã cung cấp cho DN những nguồn tin rất giá trị.

“Khi thâm nhập thị trường, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài lại là cầu nối giữa DN với cơ quan chức năng của nước bạn khi tổ chức những cuộc gặp gỡ, xúc tiến đầu tư. Trong quá trình kinh doanh, khi gặp những vướng mắc về pháp lý, Đại sứ quán là nơi đầu tiên, DN tìm đến để nhận sự hỗ trợ”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đồng thời, ông cho rằng trong số các nước Viettel đang đầu tư, kinh doanh có một số nước chưa có Cơ quan đại diện của Việt Nam nên Tập đoàn còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, ông Dũng kiến nghị Bộ Ngoại giao nên mở Cơ quan đại diện tại khu vực có nhiều DN Việt Nam đầu tư hoặc tại những nước có vai trò kinh lớn trong khu vực.

Là một trong những DN hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực vận tải biển, sở hữu, khai thác cảng biển cũng như logistics trên toàn quốc, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) Lê Quang Trung khẳng định thực tế với đặc thù trong kinh doanh của Vinalines cũng như thâm nhập thị trường, Vinalines xác định phát triển đối tác quốc tế là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty.

image 125

Ông Lê Quang Trung đánh giá cao sự hỗ trợ của ngành ngoại giao nói chung và các cơ quan thương vụ, đại diện nước ngoài nói riêng đối với các DN trong thời gian qua, đặc biệt trong vấn đề kết nối với các đối tác quốc tế, cung cấp thông tin thị trường tại các nước sở tại, hỗ trợ kiểm tra đối tác cũng như kết nối thực hiện các hợp đồng quốc tế.

Thông qua các cơ quan thương vụ, cơ quan ngoại giao, Vinalines đã kết nối hợp tác, làm việc với nhiều đối tác, cụ thể là các đối tác của Nhật Bản trong lĩnh vực liên quan đến vận tải biển, phát triển các tuyến tàu vào Việt Nam cũng như các dịch vụ từ Việt Nam đi; hợp tác với Đan Mạch, Hoa Kỳ, Singapore trong lĩnh vực phát triển cảng biển; hợp tác với Hy Lạp và châu Âu trong lĩnh vực về logistics và thuê tàu.

Ông Lê Quang Trung khuyến nghị công tác ngoại giao cũng như thương vụ cần được phát triển hơn nữa trong thời gian tới cùng với xu hướng hội nhập toàn cầu./.

Nhật Minh

Khám phá thêm tại: Doanhnhanviet.net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *