Ngày sinh Bác Hồ, nghĩ về tư tưởng của Người với doanh nhân

0

(DNVN) – Trong bức thư gửi giới công thương Việt Nam ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chính phủ Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công – Thương trong công cuộc kiến thiết này”. Đây chính là điểm đột phá lý luận của Người, mở ra vận hội tối đa cho doanh nhân, kinh tế tư nhân làm giàu trong khuôn khổ pháp luật.

image 128

Sau ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1945), mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến giới doanh nhân, công thương Việt Nam.

Người trân trọng vai trò to lớn của doanh nhân

Coi mọi lực lượng dân tộc đều là nguồn lực của cách mạng, điều đặc biệt là trong những năm đầu khi mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ vai trò của doanh nhân trong công cuộc xây dựng đất nước. Ngày 13/10/1945, khi giới doanh nhân tập hợp lại thành lập “Công Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác đã viết thư động viên, cổ vũ giới doanh nhân, công thương. Mở đầu bức thư, Bác đã gọi giới công thương một cách thân mật và trân trọng – “các Ngài”.

Người viết: “Được tin giới công thương đã đoàn kết lại thành Công Thương cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, tôi rất mừng. Hiện nay Công Thương cứu quốc đoàn đang hoạt động để làm nhiều việc ích nước lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”.

Về vai trò, nhiệm vụ của giới doanh nhân trong các giai tầng xã hội ở Việt Nam, Người nhấn mạnh: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”, “Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau”.

Trong Tuần lễ vàng, các nhà công thương Hà Nội là tầng lớp xã hội đầu tiên được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch. Sau cuộc gặp này, Chính phủ Hồ Chí Minh được giới công thương Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung ủng hộ rất lớn về vật chất, qua đó giảm bớt khó khăn về tài chính cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

image 129

Tận tâm giúp đỡ giới Công – Thương trong công cuộc kiến thiết

Trong bức thư gửi giới công thương Việt Nam ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: ” Chính phủ Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công – Thương trong công cuộc kiến thiết này”, “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.

Đây chính là điểm đột phá lý luận ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở ra vận hội tối đa cho doanh nhân, kinh tế tư nhân làm giàu trong khuôn khổ pháp luật.

Vượt lên trên những định kiến giai cấp đương thời, ngay sau ngày Cách mạng Tháng 8 thành công, Bác đã xác định: “Cấp vụ của chúng ta ngày nay là phải động viên nhân lực, động viên công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông, tài chính… Các nhà giàu có mau mau góp vốn lại mở các công ty kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, tài chính, giao thông để tích cực tham gia sản xuất, lưu thông buôn bán”.

Người đã nhiều lần chỉ rõ: Chính phủ không chủ trương xóa bỏ, tước đoạt toàn bộ kinh tế tư nhân mà vẫn sử dụng nó như một bộ phận hợp thành của toàn bộ nền kinh tế. Bác không lo sợ dân chúng làm giàu, không sợ sự lớn mạnh, bành trướng của các loại hình kinh tế tư nhân trong điều kiện chính quyền đã thật sự thuộc về tay nhân dân và vì lợi ích của đại đa số người lao động.

Người mong “chủ thợ đều có lợi, công tư đều có lợi”

image 130

Trong các bài nói, bài viết này, Bác luôn căn dặn các doanh nhân phải đoàn kết: đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới, đoàn kết giữa cán bộ, công nhân và đồng bào địa phương; phải chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên, đặc biệt, phải chăm lo đến cán bộ và công nhân nữ…

Trong tác phẩm Thường thức Chính trị năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những thành phần kinh tế có kinh tế tư bản tư nhân với những vấn đề rất thực tế và cơ bản như “chủ thợ đều có lợi, công tư đều có lợi”. Đây là những nguyên tắc tiến bộ còn nguyên giá trị đối với doanh nhân đến tận ngày hôm nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là một trong những tiền đề cơ bản cho chính sách đổi mới của Đại hội VI của Đảng ta.

Người yêu cầu doanh nhân đẩy mạnh phong trào thi đua trong các doanh nghiệp; sản xuất phải “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, sản xuất phải thực thà, sản xuất hàng hóa tốt cho đồng bào dùng, không nên trưng bày hàng tốt mà bán hàng xấu. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, thường xuyên tổng kết những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để nhân rộng trong cả nước; nhìn ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong quản lý sản xuất…

Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua ngành Thương nghiệp lần thứ nhất, ngày 31/5/1956, Bác Hồ căn dặn cán bộ ngành Thương nghiệp: “Phải tích cực chống lãng phí, tham ô, vì những sai lầm đó có hại cho Nhà nước, cho Nhân dân và có hại trực tiếp cho cán bộ, nhân viên; phải thực hành tiết kiệm; quản lý tốt của công; quản lý chặt chẽ thị trường; chống đầu cơ tích trữ, bình ổn vật giá phục vụ Nhân dân…”.

Theo lời Người dạy, Hội DNTN Việt Nam thi đua đổi mới sáng tạo

Lời Người dạy cộng đồng doanh nhân vẫn còn nguyên giá trị thời sự đối với cả việc điều hành kinh tế vĩ mô và điều hành doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Dưới ánh sáng soi đường của Đảng vinh quang và Bác Hồ kính yêu, cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập kể từ khi có Luật Doanh nghiệp năm 2000 đến nay đã vượt con số 1 triệu doanh nghiệp.

Trên đà phát triển đó, cộng đồng doanh nhân tư  nhân đã có nhiều cải thiện tích cực. Khoảng cách phát triển giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước đã được thu hẹp dần. Môi trường kinh doanh thực sự đã có những điều chỉnh góp phần đưa khu vực tư nhân xích lại gần hơn với các khu vực doanh nghiệp khác.

Ra đời cách đây 5 năm, Hội Doanh nhân Tư nhân (DNTN) Việt Nam đã và đang ra sức phấn đấu phát triển doanh nghiệp, xây dựng hội doanh nhân ngày càng mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều doanh nghiệp thành viên của Hội đã khẳng định mạnh vị thế và vai trò to lớn của mình trong nền kinh tế, điển hình như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Công nghệ CMC và Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát…

“Chương trình doanh nhân đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững của đất nước” do Hội DNTN Việt Nam phát động nhân 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc đang tạo sức lan toả rộng lớn trong cộng đồng doanh nhân tư nhân trên mọi miền Tổ quốc.

image 131

Đó cũng chính là hoạt động đầy ý nghĩa để đáp lại niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – đặt trọn niềm tin vào giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, coi đây là nguồn lực cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Minh Hoa (T/h)

Khám phá thêm tại: Doanhnhanviet.net.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *