Trình Chính phủ Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019 vào tháng 9

0

(DNVN) – Đây là nội dung vừa được đưa ra tại Hội nghị phổ biến Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 (Luật Chứng khoán 2019) và lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán sáng 16/6, tại Hà Nội.

image 40

Tham dự Hội nghị có đại diện của các công ty đại chúng, niêm yết, chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; ngân hàng giám sát, ngân hàng thanh toán, công ty kiểm toán – những đối tượng chịu sự tác động của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

4 nghị định và 11 thông tư hướng dẫn – áp lực với cơ quan quản lý 

Để Luật Chứng khoán 2019 đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính, UBCKNN được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật và tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung chủ yếu của Luật tới đông đảo nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. 

Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn cho biết: Việc trong năm nay phải hoàn thành soạn thảo và ban hành 4 nghị định và 11 thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019 là áp lực lớn với cơ quan quản lý do khối lượng công việc lớn, thời gian gấp. 

Ngoài dự thảo Nghị định chung hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019, 03 dự thảo Nghị định còn lại đang được cơ quan soạn thảo hoàn thiện liên quan đến quản trị công ty; xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; chứng khoán phái sinh. 

“Mặc dù Luật Chứng khoán 2019 chỉ có hơn 90 trang nhưng dự thảo Nghị định này có khoảng 200 trang và gần 100 trang phụ lục. Đây là Nghị định dài nhất từ trước đến nay”, ông Sơn nói. 

Cũng theo Phó Chủ tịch UBCKNN Nguyễn Hồng Sơn, thời gian qua, UBCKNN đã nỗ lực dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019. Hiện tại, Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019 đã được công khai rộng rãi lấy ý kiến các thành viên thị trường. Sau đó, cơ quan soạn thảo sẽ xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành; ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, dự kiến tháng 9/2020 sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành. 

Hiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán 2019 vừa được UBCKNN hoàn tất dự thảo lần 1 và đưa lên trang website của Bộ Tài chính để lấy ý kiến các thành viên thị trường. 

Có hiệu lực vào ngày 1/1/2021 với kỳ vọng nâng tầm 

Luật Chứng khoán 2019 gồm 10 chương, 135 Điều, được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021. 

Cùng với việc ban hành 4 nghị định và 11 thông tư hướng dẫn, Luật Chứng khoán 2019 được kỳ vọng nâng tầm TTCK Việt với nhiều điểm mới mang tính đột phá. 

Ông Nguyễn Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, UBCKNN khẳng định Luật Chứng khoán năm 2019 sẽ góp phần hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, bảo đảm cho sự phát triển an toàn, ổn định, bền vững của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. 

Cụ thể, ngoài các quy định chung, điều khoản thi hành, Luật quy định cụ thể về chào bán chứng khoán; công ty đại chúng; thị trường giao dịch chứng khoán; đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và ngân hàng giám sát; công bố thông tin cũng như thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại. 

Về chào bán chứng khoán, Luật Chứng khoán 2029 đã chuẩn hóa điều kiện, trình tự, thủ tục chào bán chứng khoán phù hợp cho từng loại chứng khoán; sửa đổi, tách quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng thành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng; quy định chặt chẽ hơn trong trường hợp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế; bổ sung quy định gắn chào bán chứng khoán ra công chúng với niêm yết, đăng ký giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán. 

Với các quy định như vậy, chất lượng doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK Việt Nam trong thời gian tới sẽ được nâng cao hơn, qua đó giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. 

Về chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, Luật Chứng khoán 2029 đã sửa đổi, nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng và điều kiện kết quả kinh doanh từ 01 năm lên 02 năm liền trước năm đăng ký chào bán có lãi; bổ sung quy định điều kiện tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1000 tỷ đồng trở lên, tỉ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành; bổ sung quy định điều kiện có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán… 

image 41

Tương tự chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, Luật cũng sửa đổi, nâng điều kiện về vốn của doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; bổ sung điều kiện có kết quả xếp hạng tín nhiệm với tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ. 

Về chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng, Luật quy định rõ giá trị cổ phiếu phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ bảo lãnh phát hành. Đối với đợt chào bán ra công chúng nhằm huy động vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành, Luật quy định cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư phải đạt tối thiểu 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán. 

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có giá cổ phiếu giao dịch trên Sở GDCK thấp hơn mệnh giá thực hiện chào bán cổ phiếu huy động vốn để tiếp tục đầu tư, phát triển, Luật bổ sung quy định mang tính nguyên tắc trường hợp giá chứng khoán của tổ chức phát hành trên hệ thống giao dịch chứng khoán thấp hơn mệnh giá, tổ chức phát hành được chào bán chứng khoán với giá thấp hơn mệnh giá; đồng thời giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể việc chào bán này. 

Về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán, cơ bản kế thừa Luật Chứng khoán hiện hành. Theo đó, Luật quy định Sở GDCK Việt Nam và công ty con được tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán cho chứng khoán đủ điều kiện niêm yết; chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước; công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chuyển thành công ty cổ phần; chứng khoán của các DN khác chưa đủ điều kiện niêm yết; chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác theo quy định của Chính phủ. 

Ngoài Sở Giao dịch chứng khoán và công ty con, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường giao dịch chứng khoán. 

Luật cũng bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBCKNN trong thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm về chứng khoán và TTCK. Theo đó, cơ quan chứng khoán được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến thanh tra, kiểm tra; yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng với trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm; yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy được gọi, số máy gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý hành vi bị nghiêm cấm. 

“Luật Chứng khoán 2019 sẽ là nền tảng pháp lý quan trọng góp phần cải thiện nguồn cung cũng như khả năng hút vốn cho TTCK; nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia TTCK tăng tính công khai, minh bạch của TTCK”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, UBCKNN nhấn mạnh.

Đức Tân

Khám phá thêm tại: Doanhnhanviet.net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *